Chỉ còn hiện tại…

Dang Huy Giang

( Đọc “ Lửa từ quá khứ ” của Nguyễn Văn Khôi, NXB Hội Nhà văn quý 3 – 2018)

Nhà thơ Đặng Huy Giang

Hôm qua xa dần
Ngày mai chưa tới
Lúc này bên tôi
Chỉ còn hiện tại…

Đó là bốn câu thơ được trích từ: “Trái tim dịu êm” của nhà thơ Nguyễn Văn Khôi, trong đó hai câu: Lúc này bên tôi/ Chỉ còn hiện tại khiến tôi đặc biệt lưu ý. Bởi vì trong đời sống hằng ngày, con người ta hay quên hiện tại, một phần vì bận ngoái nhìn quá khứ, một phần vì bận hướng tới tương lai. Bởi vì “có mặt trong hiện tại, thực sự sống với đời sống này”, theo quan niệm của nhà Phật, mới là chánh niệm. Cho nên, dù đặt tên tập thơ mới nhất của mình là “Lửa từ quá khứ”, thì tôi vẫn tin Nguyễn Văn khôi vấn lấy tinh thần “chỉ còn hiện tại” làm xuất phát điểm và trên cái nền tảng ấy mà thăng hoa.

Với Nguyễn Văn Khôi, “chỉ còn hiện tại” bắt đầu bằng những câu hỏi mà câu trả lời hoặc chưa có, hoặc không bao giờ có, hoặc nếu có thì câu trả lời nằm ở ngoài ông, dành cho độc giả muốn đồng hành cùng ông.

Đây là câu hỏi thứ nhất qua “Thầm lặng những cơn giông”: Trong cơn giông nghiệt ngã buổi chiều/ Câu hỏi nhoáng trên những quầng mây xám.

Đây là câu hỏi thứ hai qua “Những câu hỏi”: Bao giờ, bao giờ đại dương hồi sinh?/ Bao giờ, bao giờ đất đai lành lặn lại?/ Ta xoay ngang, xoay ngang dọc chính mình/

Câu hỏi vẫn còn nguyên câu hỏi.

Đây là câu hỏi thứ ba qua “ Xem tranh”: Trước cuộc sống sinh động khôn cùng/ Bức tranh chỉ chấm phá đôi phần sắc diện/ Còn những vết đau vĩnh cửu cuộn lên/

Ai vẽ nổi?

Đó là những câu hỏi đầy lo lắng, không yên. Đó là những câu hỏi hướng tới thời cuộc, mang dấu ấn thời cuộc và chỉ có những ai có trách nhiệm, thực sự quan tâm đến thời cuộc mới nghĩ như thế, mới viết như thế.

Có lẽ vì thế mà trong “ Âm dương”, Nguyễn Văn Khôi mới chỉ rõ: Những chùm mưa bất an/ từ đám mây uẩn khúc/ rơi nhẹ theo chu kỳ âm dương.

Nhờ “chỉ còn hiện tại” mà Nguyễn Văn Khôi mới liên hệ, gắn kết game – trò chơi với game – cuộc đời để viết được những câu không dễ viết hoặc không mấy ai dễ dàng mà viết được qua “Game”: Kẻ ở đầu sông trầm tích lắng sâu/ Điều khiển triệu nhánh ngầm lan tỏa/ Triệu số phận chênh vênh trên ghềnh xiết/ Theo sợi dây ma mị của game.

Xét về mặt thế thái nhân tình, những câu này cho thấy: Thơ Nguyễn Văn Khôi luôn có một mạch ngầm chảy xiết và đôi khi cuộn lên mạnh mẽ.

Nhờ ”chỉ còn hiện tại” mà trong “Giữa hoa”, Nguyễn Văn Khôi mới cảm thấy: E bóng hoa rạn vỡ/ ngại sắc hoa lụi tàn, trong “Trên cành heo may” mới nhận thấy: Mẹ giờ như chiếc lá héo hon trên cành heo may, trong “ Hỏi “ mới hiểu ra: Duyên vừa mới chạm bến tình/ chưa gặp tháng bảy, lòng mình đã ngâu. Năm câu thơ trên cho thấy một Nguyễn Văn Khôi luôn trân trọng những gì đang có và ông thấy từ trong tâm cảm phải có bổn phận lo lắng, gìn giữ. Riêng hai câu: Duyên vừa mới chạm bến tình/ chưa gặp tháng bảy, lòng mình đã ngâu là một cặp lục bát tài tình, cho thấy vẻ đẹp buồn đến mong manh của tình yêu.

Rồi “chỉ còn hiện tại” mà Nguyễn Văn Khôi mới gọi tên gió trong “Gió xuân” theo cách của riêng ông: Ngọn gió đằm như nước/ chạy về phía mùa xuân, mới gọi tên quá khứ thật độc đáo trong “Tự do”: Khói xưa thành mây trắng, mới gọi tên tương lai đầy ước vọng trong một cái nhìn an nhiên, gần như không phân biệt trong “khoảng lặng” và “Mặt nạ”: Muốn tròn từ một nửa/ trăng đang lên chưa rằm/ cửa thiền phẳng lặng tâm/ trăng và hoa cùng nở; Làm sao khấn một lời thật nhẹ/ cho lòng người rạng rỡ/ thắp sáng triệu bông hồng. Có lúc, Nguyễn Văn Khôi đầy nhân bản, nghiêng hẳn về những thân phận bất hạnh, cho dù chỉ là một chú chó đã đi xa, từng gắn bó với ông, với gia đình ông trong “Zin”:

Nay con lạc bến đò mơ
Đốt nhang ông niệm thẫn thờ mùa đông
Gió chiều hoang hoải trên sông
Lòng như lửa đốt bập bồng khói hương.

Kiếp sau còn được trời thương
Ông con mình lại tìm đường về nhau.

Trong “ Lửa từ quá khứ”, Nguyễn Văn Khôi nhận thấy trong “ Cõi vĩnh hằng xa xăm của gió”: Vẫn hành trình mưu sinh đã mặc định có thể là tất yếu. Và do rất hiểu sự tất yếu này mà ông mới hướng tới giải thoát, hướng tới tự do bằng một câu trong “Thiên đường” thật đắt: Bình yên đón những gì con người chưa thuộc về…

Tôi đã đọc những tập thơ: “Một chút nỗi niềm”, “Trái tim dịu êm”, “Lặng lẽ thời gian”, “Tìm duyên trong trái tim ta”… nên tin và coi “Lửa từ quá khứ” là một sự bứt phá tự thân của nhà thơ Nguyễn Văn Khôi.

Phố Khuất Duy Tiến đêm 29-9-2018