Nguyễn Việt Chiến
(Ủy viên Ban chấp hành Hội nhà văn Hà Nội, ủy viên Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam)
Theo tôi nghĩ, mỗi con người thơ đích thực thường có một miền đất riêng cho những sáng tác của mình, nó có thể là một miền kỷ niệm, một miền ký ức, một miền tự sự trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người. Và cao hơn, nó có thể là một miền khí quyển riêng của thơ họ và chỉ thấy trong thơ của riêng người ấy với những phát hiện mới lạ, độc đáo mang phong cách thi ca đương đại. Với tác giả Nguyễn Văn Khôi, thơ anh ở dạng thứ nhất với ngữ điệu trữ tình, với cảm xúc trữ tình, với hình tượng trữ tình quen thuộc, chân chất và gần gũi như cảnh vật đời sống quê hương ở quanh ta. Ngữ điệu trữ tình ấy có thể là là một thoáng Chùa Hương tìm về nguồn cội:
Sương giăng giăng mái Đền Trình
Giữa dòng mây nước bóng mình gương soi
Mái chèo dạn sóng thuyền trôi
Đôi bờ suối Yến ngậm ngùi thông reo
Cuốc kêu, chim hót, vượn trèo
Hoàng hôn đổ bóng, trăng treo gió ngàn
Trút theo nhiều nỗi oán than
Xả buông bao giọt gai tàn tứ thân
Mưa mai, gió trúc, chuông ngân
Ngó lên mây bạc tần ngần bên hiên
Thiên Trù – Mật thất am thiền
Dâng hương thỉnh Phật Chư thiên cứu đời
Gió đưa vọng tiếng cầu trời
Nước non hưng thịnh, sáng ngời hiền minh…
(Lên Hương Tích – Nguyễn Văn Khôi)
Và rồi, hình tượng trữ tình thân quen ấy có thể hiện lên trong một bức – tranh – thơ về chùa Thầy qua nét vẽ thanh thoát, gợi hình, gợi cảm trong bài thơ lục bát khá tinh tế của Nguyễn Văn Khôi dưới đây:
Cùng em về hội chùa Thầy
Sài Sơn non nước trời mây hữu tình
Rêu phong cổ kính tâm linh
Thiền sư Đạo Hạnh tu hành ngàn năm
Trải bao thế sự thăng trầm
Vẹn nguyên một dải danh lam xứ Đoài
Nhớ trăng vằng vặc nghiêng soi
Thiên nhiên – còn thấy muôn đời tỏa hương.
Chữ tam chính điện vững vàng
Tâm thiền tĩnh lặng khói nhang bốn bề
Thủy đình ngọc giữa Long Trì
Núi Sài – rồng lẻ, phượng, quy chầu về
Lâng lâng bước giữa mây đi
Chùa Cao, Cắc Cớ, rẽ về Bối Am
Mái chùa tựa núi mây ngàn
Tòa tâm linh, khách tham quan tôn thờ
Kính thầy Đạo Hạnh ngàn xưa
Nay về lễ hội vào chùa dâng hương.
( Về chùa Thầy – thơ Nguyễn Văn Khôi )
Đọc xong bài thơ trên, tôi thấy cái dư vị của sự trong sáng, nhẹ nhõm, thanh tao, khoan hòa, thiền mặc… đã lặng lẽ thấm vào từng mạch chữ. Hình ảnh trong thơ tuy không mới, nét chạm khắc của ngôn ngữ thơ cũng không có gì mới lạ, nhưng tôi vẫn cảm thấy đây đúng là một bức-tranh-thơ khá hoàn thiện với vẻ đẹp linh thiêng của ngôi chùa nổi tiếng trong quần thể danh thắng của xứ Đoài văn hiến ngàn xưa với những nét thăng trầm cùng lịch sử: “ Trải qua bao thế sự thăng trầm/ Vẹn nguyên một dải danh lam xứ Đoài/ Nhớ trăng vằng vặc nghiêng soi/ Thiên nhiên – còn thấy muôn đời tỏa hương”. Đặc biệt hơn, việc đưa các địa danh của khu di tích vào bài thơ “ Về chùa Thầy ” một cách nhuần nhị, tinh tế cho thấy đây là một điểm sáng trong nghệ thuật thơ lục bát của Nguyễn Văn Khôi, đây có lẽ là một trong những bài thơ khá nhất của tác giả này.
Thơ lục bát của anh không chỉ hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên và tìm đến những địa danh văn hóa lâu đời mà còn muốn ngược dòng thời gian, để tìm về nguồn cội lịch sử ngàn năm của cha ông như bài thơ “Người khai sáng“ dưới đây:
Ngàn năm trước
Chiếu dời đô
Người khai sáng lập Kinh đô muôn đời
Thăng Long
Rồng cuộn hổ ngồi
Công người dựng nước đất trời hiển linh
Vua Lý Thái Tổ anh mình
Người khai sáng nước non mình ngàn năm
Cùng với tâm thế của lớp lớp cháu con luôn hướng về những vị vua hiền minh đã khai sáng non sông, đất nước này, ở phần đầu tập thơ, tác giả Nguyễn Văn Khôi rất trân trọng khi nói về công lao của Đức vua “Phật Hoàng” Trần Nhân Tông sau hai lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông đã nhường ngôi báu cho con, để lên núi Yên Tử lập Thiền phái Trúc Lâm:
Sinh ra ở đất Thăng Long
Lừng danh chống giặc Nguyên Mông hai lần
Anh minh, tài trọng dụng nhân
Diên Hồng – hội sáng muôn dân kết đoàn
Dạy con văn, võ song toàn
Những điều nhân đức Thượng Hoàng thường khuyên.
Nhường ngôi Thái tử Trần Thuyên
Vua lên núi sáng lập Thiền Trúc Lâm
Áng thơ lay động triều Trần
Xuất gia – Thiền phái Trúc Lâm – Phật Hoàng.
Tiếp theo, trong bài “ Gươm thần “, tác giả Nguyễn Văn Khôi đã nhắc tới một thủa trận mạc chí khí ngất trời, chống quân xâm lược nhà Minh của Vua Lê Lợi, từ khởi nghĩa Lam Sơn đến ngày giải phóng thành Đông Quan và trả lại gươm báu cho rùa thần ở Hồ Hoàn Kiếm:
Sấm vang
rừng núi Lam Sơn
Xuất thần
Lê Lợi – giang san vẫy vùng
Mười năm
thần tốc
oai hùng
Giặc Minh chạy
đất nước chung một nhà
Gươm trả
Thần Rùa hôm qua
Hồ Hoàn Kiếm
khải hoàn ca muôn đời.
Với những bài thơ có tính sử thi như vậy, điều đáng ghi nhận là tác giả Nguyễn Văn Khôi không ham viết dài, anh nghiêm cẩn, thận trọng khắc họa một đôi nét ngắn ngọn, tiêu biểu về những danh nhân đã được lịch sử đất nước tôn vinh. Viết được ngắn như vậy, chắc cũng không dễ dàng gì khi tác giả thơ phải nén chặt một hàm lượng thông tin sử thi vào trong mấy câu thơ. Nhưng cũng chính vì sự cô súc, tối giản như vậy nên sự thăng hoa của cảm xúc thi sĩ nhiều khi phải giảm bớt…
Theo tôi, bản-ngã-thơ lãng mạng trữ tình của Nguyễn Văn Khôi nghiêng nhiều hơn về phía thơ tình đa tâm, đa cảm. Dường như, ở địa hạt ấy, thơ anh trở nên sống động hơn, trăn trở hơn, trải nghiệm hơn và thao thiết hơn. Mở đầu tập thơ, ở bài “Điều giản dị”, với nhà thơ, có lẽ đây là một triết lý sống, một thái độ sống khi anh khẳng định.
Điều giản dị
trái tim yêu nhất
Tôi là tôi
em phải là em
Sự rung cảm
trong đêm nảy hạt
Búp non xanh
khúc hát của tim.
Nhưng tôi biết “Trái tim yêu” làm ra vẻ cứng rắn của anh đã không ít lần rung động, bồi hồi cất lên những lời thương nhớ qua “Lặng lẽ thời gian”, và anh thấy lúc nào hình như mình cũng đang mắc “nợ” tình người dù chỉ là một lần gặp nhau, một lần đã thành kỷ niệm và người thơ ấy không thể dễ lãng quên những thoáng xúc động đã trở thành kí ức, đã có thể rất gần gũi và đã xa xôi:
Bên nhau gần mặt cách lòng
Trăng theo hồ nước qua dòng heo may
Thuyền tình neo đậu bến gai
Mây hiu hắt tím nắng mai còn chờ?
Bên nhau con gió ngẩn ngơ
Rừng thông đứng bóng thờ ơ giữa trời
Ướt mưa, cháy đắng lòng người
Bâng khuâng, chua xót, chơi vơi, chạnh lòng?
Bên nhau sóng biển bềnh bồng
Cuối thu lạnh giá ai mong thuyền về?
Đời sao dâu bể tái tê
Yêu người. Một cõi bốn bề người đâu?
Bên nhau lay lắt vì nhau
Giọt râm, giọt nắng, giọt ngâu, giọt đầy
Ai đo sông cạn có ngày?
Ai đo lòng dạ bấy nay ai buồn?
Bên nhau se thắt tâm hồng
Trái tim rỉ máu, mắt ôm mi gầy…
Bên nhau nợ những đắm say
Yêu thương, tình nghĩa những ngày hàn vi
Muôn vàn sợi nhớ quay về
Trao nhau duyên thắm tình quê mặn nồng
Bên nhau nợ bến tình trong
Thuyền tình neo đậu bên dòng thủy chung
Canh năm treo cánh trăng cong
Mình gieo trái nhẫn, mùa hồng đơm hương…
Vần thơ san sẻ tình thương
Chúng mình xin lỗi hơi sương một thời….
(Nợ- thơ Nguyễn Văn Khôi)
Trong bài thơ tình có thể là hay nhất của Nguyễn Văn Khôi nói trên, hóa ra anh cũng là người thơ đa tình, đa cảm lắm lắm! Chắc vì thế nên hơn nửa tập thơ “Lặng lẽ thời gian” toàn là thơ tình. Trong muôn loại thơ thì thơ tình là dễ xúc động lòng người hơn cả. Với những cung bậc yêu thương từ đắm say đến tan vỡ, từ ly biệt tới nhờ thương, từ ấm ấp tới xa cách, từ gần gũi đến thiết tha… thơ tình luôn sẻ chia, gần gũi với tâm hồn con người. Trong mạch thơ ấy của “Lặng lẽ thời gian” tôi thích bài thơ “Thu về” của Nguyễn Văn Khôi, nó không sướt mướt dào dạt ở bề mặt chữ, nó mượn cảnh sắc trữ tình thiên nhiên để khơi gợi tình người:
Thu về man mác hồn ta
Thân thương bao nỗi nhớ da diết hoài
Mây đen vần vũ mưa dài
Mắt trôi theo mộng miệt mài trong đêm
Thu về cái nhớ buồn thêm
Xôn xao hiu hắt dâng lên biển đầy
Nghe câu hát sóng lòng ai
Long đong tình mặn, đắng cay vị đời
Thu về chếch choáng chơi vơi
Chim kêu khắc khoải… mưa rơi xót lòng
Lặng thinh một lẽ thủy chung
Người ơi, xa mãi trong dòng thu nay…
Thu về len lỏi heo may
Lá run lẩy bẩy hàng cây bần thần
Một mai cô quạnh khóc thầm
Một mai sương ngậm lạnh ngâm tóc dài
Thu về hoa cúc hương say
Liu riu ngâu ướp cỏ may héo vàng
Sầu rơi, buông trái theo trăng
Bên nhau ta mãi khẽ khàng thương yêu.
( Thu về – thơ Nguyễn Văn Khôi )
Cũng trong cái mạch yêu thương cảm động ấy, hình ảnh người mẹ trong thơ anh giữa mùa sen Tây Hồ đã lắng lại một nỗi thân thiết, biết ơn của người con khi người mẹ đã hy sinh cả cuộc đời của mình để dành hết tình mẹ trong mỗi mùa thương, mỗi mùa sen thơm cho những đứa con thân yêu của mình:
Bây giờ đã giữa tháng năm
Hồ sen chúm chím chờ rằm tháng sau
Vần thơ nhớ nỗi khổ đau
Dậy mùi hương nghĩa tình sâu nhường nào
Trăng vàng sen trải vườn sao
Thương thời gian gió xạc xào bão dông
Hơi sương lạnh giá đêm đông
Thân hao gầy với rêu rong đắm tình
Mai ngày trong ánh bình minh
Muôn màu sắc quyện lá xanh sen hồng
Mây trời ơi mãi xanh trong
Hồ sen mẹ ướp hương lòng đời vui
Mang mang hương sắc ngậm ngùi
Gió hồ Tây xót mẹ tôi một thời
Xôn xao con sóng bồi hồi
Mầm trong đất mẹ còn tươi nhụy vàng.
( Hồ sen- thơ Nguyễn Văn Khôi)
Qua tìm hiểu, tôi biết tác giả Nguyễn Văn Khôi rất thương mẹ và dành một tình cảm đặc biệt với người sinh thanh ra mình khi bố anh mất sớm, để lại đàn con thơ. Mẹ anh cũng như nhiều bà mẹ Việt Nam khác đã một mình chịu đựng tất cả và vượt qua những năm tháng gian khổ, thiếu đói trong chiến tranh để nuôi dậy con cái thành người. Bởi thế, hình ảnh người mẹ trong mùa sen bên Tây Hồ ở bài thơ trên của anh đã thấm vào tôi và rung động tôi.
Mạch thơ trữ tình của tác giả Nguyễn Văn Khôi trong những bài thơ nói trên đều có một nét chung là cố gắng vươn tới một hình thức tinh tế của lối thơ cổ điển, để tâm trạng con người cùng đồng hiện với thiên nhiên và nhiều khi dùng cảnh vật để gợi tình, lấy cảnh sắc bằng giữa đời sống cỏ-cây-mây-nước với đời sống con người. Điều tôi muốn nói với tác giả thơ Nguyễn Văn Khôi, qua 3 tập thơ đã in, cho thấy gương mặt thơ của anh và giọng thơ anh đã dần bộc lộ và bắt đầu phát sáng. Điều quan trọng hơn, anh cần có nhiều ý tưởng thơ mới và chúng ta hãy đợi chờ ở hành trình thơ ca sắp tới của anh.
Đúng ra, ngay từ hồi còn là học sinh cấp III trường Chu Văn An, Hà Nội (trường Bưởi cũ), Nguyễn Văn Khôi đã hé lộ một năng khiếu văn chương và đã từng được giải thi thơ tuổi học trò. Anh học dưới tôi 2 lớp, lúc ấy tôi là học sinh chuyên văn khóa 1967-1970 của trường.
Sau này, Nguyễn Văn Khôi học ngành xây dựng, nhiều năm công tác ở ngành quản lý đô thị Hà Nội và từng là Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Lúc ấy, tôi là phóng viên Báo Thanh Niên được phân công viết về Hà Nội và anh em đã nhiều lần gặp gỡ nhau. Tuy vậy, tôi cũng không ngờ trong con người công chức mẫn cán ấy lại là một hồn thơ đầy mẫn cảm và trữ tình. Năm 2016 này, Nguyễn Văn Khôi in tập thơ thứ 3, tôi viết lời tựa cho tập “Lặng lẽ thời gian” vì thấy ở anh, một người bạn học cùng trường, một người bạn thơ chân chất, giản dị, chan hòa với bạn bè và chịu khó học hỏi. Tôi nghĩ, với Nguyễn Văn Khôi, sau mọi thành đạt và danh vọng đã qua, anh trở lại với thơ đấy là điều bạn bè cùng trường Chu Văn An xưa mừng nhất, vì chúng ta có thêm một nhà thơ bên cạnh những nhà thơ đã làm rạng danh ngôi trường này.
Tháng 1-2016