Tìm duyên

Tim Duyen

( về tập thơ Tìm duyên trong trái tim ta của Nguyễn Văn Khôi-nxb Hội Nhà văn-2016)

Tìm duyên trong trái tim ta chính là hành trình trở về với chính mình ở tầng bậc khác. Trong quá trình sống cũng là đi tìm ấy, có nhiều chặng, nhiều khoảng, có yêu, có thương, có tĩnh lặng. Mỗi chặng mang một nét riêng nhưng đều gặp nhau ở chữ Duyên.

Nguyễn Văn Khôi đi qua ba cung bậc ấy, theo cách của người trọng chữ duyên và tin vào nó.

Tôi nghĩ thơ tình có một cái bẫy rất lớn, đó chính là sự ủy mị, vì nó thường tràn ngập xúc cảm, thậm chí tràn ngập sự kích động. Tránh được điều ấy không khó, nhưng chẳng phải tất cả đều tránh được. Tình yêu trong thơ Nguyễn Văn Khôi da diết, đôi khi dằn vặt, thế nhưng vẫn phảng phất mang tinh thần lạc quan, lành mạnh. Em là hạt mưa/ mắt huyền lóng lánh/ nhớ về ngày xưa/ bao điều chống chếnh/ những mùa thật xa… Những câu thơ gợi liên tưởng xa xôi hơn ngữ nghĩa của chữ, tạo ra sự đầy đặn điệp trùng trong cảm giác lãng mạn. Sương ấp iu tình tựa giấc mơ/ một bàn tay nhỏ níu vào khuya. Hình ảnh thơ khi đạt tới độ nào đó thì mới có sức gợi cảm ghê gớm.

Tình yêu, đó là Một màn giăng lộng lẫy/ đan cài vào nhau giữa nước mắt và mưa. Vẻ đẹp pha trộn giữa hân hoan với khổ đau đánh nhịp cho phần lớn những cuộc tình, nó như mẫu số chung, thế nhưng điểm khác biệt ở chỗ mỗi người chọn theo góc của mình. Có cảm giác Nguyễn Văn Khôi luôn hướng cái tâm của mình về phía nhìn ra vẻ đẹp không chỉ lúc ngọt ngào mà thấy vẻ đẹp trong cả chua chát, đắng cay của tình yêu. Khi xa cách, chia ly thì vẻ đẹp của nỗi nhớ khi xuất hiện: Vắng em anh theo mùa nhớ, theo đấy, nhưng cũng chưa thỏa, phải chạm vào: Anh nhè nhẹ tựa lưng vào ký ức. Tình yêu da diết đến mức khi thiếu nhau thì: Cánh tay em gối hóa cô đơn/ còn cánh tay hoang đem ấp gió. Nỗi nhớ đẩy thêm bước nữa, là cảm giác: Chầm chậm xuân về lại/ trên những rêu phong xưa, nghĩa là mọi thứ hồi về sống động, tươi rói: Về lại một bông hoa nhỏ/ âm thầm nở trong cuốn sổ/ cánh trong veo thơm mát nhụy vàng/ về từng bước nhẹ long lanh trắng/ dạo giữa vườn khuya gió và em. Đó có thể coi như sự tái sinh đài các.

Phần thơ thế sự của Nguyễn Văn Khôi lại mang nặng một chữ thương. Mảng thơ này phản ánh khía cạnh con người xã hội của nhà thơ, với những trải nghiệm và chiêm nghiệm cá nhân. Nhà thơ không chỉ là kẻ chú ý tới cái tôi, hoặc dừng ở đó mà phải nới rộng ra. Khi nhà thơ Tự răn mình trước những “cơn giông thế sự”, thì không có nghĩa chỉ răn mình, mà là những lời bày tỏ, những tâm sự mang tính phổ quát. Cũng như khi nhà thơ ngắm mưa, thấy mọi thứ bụi bị quét sạch khỏi mọi vật thì bụi đó không chỉ là bụi, mà còn là những thứ khác nữa, dữ dội hơn: “những dơ bẩn/ con người sạch không?“. Câu hỏi thật day dứt nhưng cũng ráo riết. Chỗ này, ta thấy tâm trạng của nhà thơ với khí quyển xung quanh mình. Một tâm trạng mang mang khi đứng giữa “nhân thế đã nhàu” và nhận ra trong thực tế đời sống “Thương nhau nào được bao nhiêu”. Sau cật vấn là những giác ngộ, đến sự mở lòng về phía “miền bình yên lúc tâm hồn rạo rực”. Thêm nữa, khi mở ra hoàn toàn với vạn vật nhìn thấy cơn mưa “cầm tay nhau giữa mênh mông vô thường” thì có nghĩa phần nào chạm tới cái vô thường rồi. Không duyên thật khó mà có những cảm nhận thế.

Con người ta không ai đến đích ngay từ bước đầu mà phải có hành trình, hành trình đó là toàn bộ đời sống không loại trừ chi tiết nào. Ở đó có đam mê, có sai lầm, có lạc lối, phải trải qua “sương rơi đầu điểm bạc”, nếm đủ vị đời rồi mới cán đích. Mà đích là gì ? Là chính quá trình vận động. Đến đoạn này cái chữ duyên nằm ở tên tập thơ mới phát lộ hết ý nghĩa của nó. Đó là cái duyên lớn, cái duyên tập thành sau cả chặng những bão táp, gập ghềnh, những “máu ứa trong tim”. Trái tim đã từng đập mãnh liệt, dữ dọi vì biết bao cảm xúc, giờ đến chặng thong thả, thư thái, với sự tinh tế trong những khoảnh khắc “Tiếng chuông thảng tiếng trăng rơi”, những cảm nhận “lối trắng đi về”, hơn thế, nhìn thấy “hồn thoắt trong veo với gió ngàn”. Bài thơ Lắng đọng ngắn nhưng hóa ra không ngắn chút nào:
Thời gian biền biệt đi
sư thầy ở lại chùa
ta ngồi nhớ chuyện xưa
khói sương thành tri kỷ.
(Lắng đọng).

Tâm yên rồi thì thơ đạt độ tĩnh. Tâm yên là bởi đã biết “xa ảo ảnh quãng đường đua trầy trật”.

Có thể nói cả tập thơ Tìm duyên trong trái tim ta của Nguyễn Văn Khôi được bao phủ bởi một chữ Về lớn ngay trong quá trình tìm. Về với tình yêu, tình thương, với cõi lòng lòng tĩnh lặng. Về với Duyên. Nói cách khác, đó chính là giây phút “hoa đã rụng để hiện hình cho quả”.

Nhà văn: Nguyễn Bình Phương