Nguyễn Văn Khôi – Nhà thơ với những trang thơ

Tôi gặp Anh lần đầu tiên trong dịp hội ngộ anh em các khóa, các khoa của Trường ĐHXD nhân ngày cuối năm chuẩn bị đón Xuân Mậu Tuất. Dịp ấy Anh tặng tôi và bạn bè tập thơ do anh viết “Tìm duyên trong trái tim ta” với lời đề tặng rất chân thành “Quý tặng anh Tuấn – ĐHXD”. Té ra ông này còn là một nhà thơ, tập thơ này của Anh mãi sau tôi mới đọc và chiêm nghiệm (rất xin lỗi Anh về chuyện này) và cũng khá lâu sau tôi mới phần nào cảm nhận được cái hay, cái tinh tế, cái trăn trở gian nan của người viết qua từng câu chữ.

Nguyễn Văn Khôi - Nhà thơ với những trang thơ
Nguyễn Văn Khôi – Nhà thơ với những trang thơ

Sau này khi đã quen và khá thân với nhà thơ Nguyễn Văn Khôi nhưng nhiều khi chuyện phiếm cà phê chẳng mấy khi anh em bàn luận về chuyện thơ phú của riêng anh. Chủ yếu là trao đổi về những bài viết, cách viết, những bài thơ hay, những ý đẹp của các bài viết mà các thành viên Trang (và Trang Thơ) Hương Canh – Một Thời Để Nhớ đã đăng. Cá nhân tôi, dù đã viết khắc họa chân dung một số nhà thơ thủa Hương Canh (những bài này trước khi đăng tôi đều được sự đồng ý của chính nhân vật và tham khảo thêm ý kiến của anh) thế nhưng tôi chưa bao giờ có ý định viết khắc họa Anh qua những tác phẩm của anh, mặc dù rất yêu thích và ngưỡng mộ.

Có khá nhiều lý do – Trước hết dù là một người làm công tác quản lý nhưng đứng trên văn đàn Anh là một nhà thơ thực sự: Là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam – Đã có 6 tập thơ được các NXB Văn hoc, NXB Hội nhà văn, NXB Chính trị Quốc gia in ấn. Năm 2018 Anh được giải Nhì Cuộc thi Thơ hay 2017-2018 của Tạp chí Nhà Văn và Tác Phẩm – Hội Nhà Văn (cuộc thi thơ cuối cùng của Tạp chí Văn Nghệ cách đây đã 18 năm). Theo tổng kết của nhà thơ Đặng Huy Giang thì cuộc thi thơ này “số người dự thi lên đến con số cả nghìn người, số lượng thơ dự thi lên đến con số cả vạn bài…” Trong cuộc thi Thơ này Hội đồng chung khảo đã quyết định trao tặng nhà thơ Thanh Tùng giải Đặc biệt thay một nén tâm nhang để tưởng nhớ ông, nhà thơ xuất sắc của một thời hoa đỏ.

Mặt khác, đã rất nhiều người giới thiệu về thơ của Anh. Họ đều là các nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình có danh tiếng, chữ nghĩa đầy mình, bài viết nào cũng sắc bén mang đầy tính học thuật. Đôi khi đọc mà cũng cũng còn cảm thấy toát cả mồ hôi vì thấy mình thật là lơ tơ mơ trước biển cả ý tứ Thơ ca – Đó là nhà thơ Nguyễn Bình Phương với “Tìm duyên là về với duyên” (Báo Văn Nghệ/ Hội nhà văn Việt Nam 3/2017). Là Nguyễn Thị Kim Nhung với “Những điều xa vắng” (tạp chí Văn Nghệ Quân đội 12/2018). Là nhà thơ Đặng Huy Giang với “Chỉ còn hiện tại” (Báo Văn Nghệ 12/2018)… Túm lại tôi tự nhủ: Yêu Thơ thì đọc chứ đừng ti toe cái sự chữ nghĩa cho nó Lành!

Rồi một ngày có một người bạn yêu ca hát đến nhờ tôi phân tích về bài hát (Một Mùa xuân nho nhỏ – Thơ Thanh Hải – Nhạc Trần Hoàn) để thêm hiểu hơn cái hay và đẹp của tác phẩm này. Tôi lấy nguyên bản gốc bài thơ mà cố nhà thơ Thanh Hải đã viết những dòng cuối cùng trên giường bệnh, bài điểm thơ hay của nhà thơ Vũ Quần Phương và bài hát được NSND Lê Dung trình bầy với giọng ca tuyệt vời. Lúc đó tôi mới được biết rằng thời điểm hát bài này có ý kiến đánh giá ca sĩ Lê Dung hát không còn hay nữa (Lê Dung luôn được coi là giọng ca rất đẳng cấp đầy tính học thuật với những Aria hoặc các đoạn Staccato đòi hỏi khoảng âm rộng, lên những nốt cao chót vót…). Có một khẳng định sau đó: NSND Lê Dung không phải là giọng đã xuống mà là định hướng của Lê Dung nhằm vào lớp khán giả bình dân. (LD có tâm sự trên một bài báo rằng: Một ông Việt Kiều rất mê giọng hát LD có khuyên rằng để vào được thị trường thì cần đổi cách hát…).

Chính câu chuyện trên làm tôi có ý nghĩ: Tại sao một nhà thơ trưởng thành từ mảnh đất Hương Canh lại có quá ít người biết về thơ của Anh nhỉ? Phần thì anh không đăng thơ của mình trên cả 2 trang – Trang (Trang thơ) Hương Canh Một Thời Để Nhớ nên mọi người ít biết. Phần thì khi đọc cả mấy tập thơ Anh tặng có rất rất nhiều bài thơ hay nhưng cũng có những bài tôi chưa thể hiểu hết ý tứ của nó, mặc dù tôi đã biết “Trong mạch nhân tình thế thái, thơ Nguyễn Văn Khôi có một dòng nước ngầm chẩy xiết và đôi khi cuốn lên mạnh mẽ…”. Giấu cái dốt của mình tôi đùa với anh “Anh cho tôi đọc cả hai tập thơ với hơn 200 bài, khác gì đứng trong cả một vườn hoa rực rỡ đầy sắc mầu, tìm được những bông hoa Đẹp thật là khó khăn…”

Nguyễn Văn Khôi viết rất nhiều thể loại, nhiều đối tượng, nhiều cuộc đời ở trong thơ anh. Anh thường dùng thể thơ tự do để tạo không gian cảm xúc đong đầy không bị bó hẹp về câu chữ cũng như vần điệu. Anh cũng rất thành công cùng thể thơ lục bát với những cách viết mới, có những khổ thơ được ngắt thành dòng bậc thang. Ngắt bậc thang để nhấn nhịp, và tạo ra những khoảng lặng (khoảng trống cho cảm xúc và suy nghĩ), nó gia tăng tính khẳng định mạnh hơn là để một dòng. Với cảm nhận của tôi, thơ Anh viết chủ yếu về: VỀ HÀ NỘI – VIẾT VỀ MẸ – THƠ TÌNH – NHỮNG TRĂN TRỞ VỀ ĐỜI.

Những bài thơ Nguyễn Văn Khôi viết về Hà Nội có những nét riêng rất tài hoa và độc đáo về cả câu chữ và hình ảnh. Tôi rất thich bài VỀ MỘT THỜI HOA NẮNG của anh, câu chữ giản dị mà hình ảnh về cây sấu đã gắn bó cả một thời trẻ thơ của chúng tôi được khai thác thật đẹp, thật lạ.

Mùa này hoa sấu
Thơm tròn gót chân
Con gió phân vân
Nhớ tà áo trắng

Mắt trong đầy nắng
Nắng đầy trên môi
Tóc mây nổi trôi
Em ru tôi lac…
…………………….
Giờ không còn nữa
Tà áo dịu êm
Giữa tôi và em
Chỉ hoa trắng rụng.

Những phút giây giữa cái “tham sân si” và “sắc sắc không không” trong tư tưởng nhà Phật, Anh như nghe như nhìn thấy “Tiếng chuông thảng tiếng trăng rơi” để rồi “Xin buông xả hết cho vơi nghiệp này”. Tôi hỏi : Anh đã biết bao nhiêu đêm, đi biết bao nhiêu vòng hồ Tây để viết được bài thơ hay này?

…Trăng treo lặng lẽ rừng mây
Gió heo may đẩy hồ Tây vỡ òa
Bóng mưa nhòe với bóng hoa
Chuông chùa Trấn Quốc giao thoa đất trời
(VIẾT Ở CHÙA TRẤN QUỐC)

Và những câu thơ bảng lảng viết về hoa sưa để rồi không biết: Mây bay hay là ta bay..
Hoa sưa trăng trắng
Nhẹ bay lên trời
Ánh sáng tỏ mờ trong hoang tối
Cá cắn câu chếch choáng
Phao nổi chìm thấp thoáng
Chỉ còn tôi và em
Và không biết
Mây bay hay là ta bay…
(CHẦM CHẬM VỀ LẠI)

Có những tháng ngày Anh cùng các đồng sự với bao tâm huyết giúp Cụ Rùa thiêng bên Hồ Gươm. Rồi đêm Nôen năm ấy, trong tiếng chuông ngân của Nhà thờ Lớn ký ức trong anh ùa về có cả tiếng leng keng tầu điện, tiếng rao đêm một thủa và cả tiếng còi tầu dần xa thành phố…

Thức trắng đêm trên đường phố cổ xưa
Ngày cuối đông sương vương bạc mái chùa
Chuông nhà thờ vọng lồng trong gió
Nghe động lòng nốt nhạc ngân xa

Hồ Gươm giăng lớp mỏng sương ngà
Lẵng hoa đẹp thướt ta quyến rũ
Không gian xanh trong rừng cây thành phố
Tích trả gươm, huyền ảo Tháp Rùa…
(NÉT ĐẸP THĂNG LONG)

Khi Hà Nội mở rộng, xứ Đoài với bao thế sự thăng trầm vẫn uy nghiêm duyên dáng, vẫn thật đẹp để nhà thơ “ mỉm cười trong mầu xanh mắt em”

…Những viên ngọc lấp lánh diệu huyền
Như một kiếp tiền duyên xứ Đoài chưa có
Làng Đường Lâm, Chùa Mía,
Đền Và, Thành Cổ…
Thần kỳ thay một làng nhỏ hai Vua
(XANH NGUYÊN TRONG KÝ ỨC)

Tôi đã được gặp cụ thân sinh của Anh, một cụ bà phúc hậu đã gần tuổi chín mươi vô cùng thương con trai trong mọi lời nói và hành động. Chính vì thế trong thơ của Anh luôn xuất hiện bóng dáng người Mẹ yêu đấu, anh viết rất nhiều bài về mẹ, bài nào cũng hay nhưng điều rất đặc biệt là bên hình ảnh tuyệt vời của Người Mẹ luôn luôn có bóng dáng của Người Cha. Dù đã có những câu “Đi khắp thế gian không ai sánh bằng mẹ – Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha”. Thế nhưng rất nhiều bài thơ hay (Bầm ơi, Mẹ của anh…) bài hát hay (Lời ru, Tình mẹ cho con…) bóng dáng người cha thật mờ nhạt nhưng với thơ NVK thì

Lời mẹ ru vọng tiếng cha
Giọng trầm con ngậm xót xa đời người
Lao xao nửa lá vàng rơi
Cho lời ru mẹ đến chơi vơi lòng
(LỜI MẸ RU)

Mẹ ơi
đêm lạnh
bóng cha tạc lên trăng
nồng nàn nơi xứ núi
tỏa bóng rừng xanh quặn vào trời đất
đau đáu trong lòng
về miền đất Quảng
(MẸ)

Có lần tôi đã tâm sự với Anh: Nếu bài Lời Mẹ ru của anh mà được phổ nhạc thành công thì còn hay gấp mấy lần bài hát Lời Ru mà mọi người đang yêu thích. Những bài (Trên cành heo may, Ngày của Mẹ, Vẫn lạ mỗi khi nghe, Khi yêu thương có thể phải đi xa) đều viết về Mẹ với nhiều cung bậc cảm xúc từ những nỗi xót xa, những tin cậy chở che.

Linh hồn đứa con
gia tài đời mẹ
nắm đất thở se sẽ
những dấu chân in theo hình đất nước
bằn bặt nở hoa nơi xa…
(NGÀY CỦA MẸ)

Và chỉ có mẹ
chỉ có mẹ thôi
thấu mọi biểu cảm của ngôn ngữ
cỏ – cây – chim – thú – con người
(VẪN LẠ MỖI KHI NGHE)

Mẹ trong thơ của Nguyễn Văn Khôi còn là những người phụ nữ lao động cần lao, nhọc nhằn trên vùng đất mới, khi hơn năm mươi năm trước đi xây dựng vùng kinh tế mới.

Hơn nửa thế kỷ ngấm nắng mưa
nương chè hương thơm ngào ngạt
mẹ ngấm bao nhiêu gian khổ
lời ru run rẩy bóng khuya…
…………………………………….
Chúng con hóa bé nhỏ trong vòng tay mẹ chiều nay
vòng tay gầy guộc ôm trọn vẹn tháng ngày
mây xuống thấp và cánh rừng khép lại
lặng lẽ trời vời vợi chênh vênh…
(TRÊN CÀNH HEO MAY)

Với đề tài Tình Yêu, trong cả hai tập thơ NVK đã có rất nhiều bài viết, đặc biệt là tình yêu đôi lứa. Một đề tài muôn thủa chắp cánh cho thi ca , những nhớ nhung, những nỗi niềm tâm sự, những lúc xa cách, những hồi tưởng về cả một thời đã qua.

Tìm duyên bao tháng năm rồi
Lội sông không đáy, chân trời rất xa
Tìm duyên trong trái tim ta
Trao yêu thương, thấy bao la tình người
(GIỮA XA VÀ GẦN).

Những phút giây hạnh phúc, những giây phút hoan ca trong tim, thơ anh hát những bản tình ca đáng yêu làm sao.

…Em là ngọn gió
Mát trong lòng ta
Yêu thương êm dịu
Những lời hoan ca

Em là tia nắng
Rờ rỡ trên cành
Yêu thương cháy bỏng
Giữa ngàn dặm xanh…
(TÌNH CA CHO EM)

Rồi những nỗi niềm khát khao
…Khát khao bảng lảng khói trời
Xuân em gieo hạt xanh tôi mỗi ngày

Hương em, em giấu tóc mây
Tình tôi em dấu đâu đây bềnh bồng

Trăm năm đứng ở bờ sông
Khát khao một cõi trăng lồng song thưa
(KHÁT KHAO).

Về thăm Đa Hòa trên “Thuyền trăng buông mái chèo khua” anh viết những dòng rất hay về mối lương duyên đầy lãng mạng của mối tình tuyệt vời Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung:

…Ngậm ngùi dâng nén hương trầm
Nửa thương mình, nửa thương thầm người xưa
Sông còn in bóng cơn mưa
Bến này liệu có đón đưa tình này?
(CHẠM VÀO TRUYỀN THUYẾT).

Và có ai hơn kẻ đa tình này nhỉ “ Cúc vàng ươm nắng trời xanh – Chênh chao ngóng đợi người tình trong mơ” Yêu từ thủa tóc còn xanh mà bây giờ Trái tim vẫn “chênh chao, chòng chành, tê tái…) trước sóng tình?

Tóc bạc mầu sao còn yêu đến thế
Nhớ nguôi ngoai mòn giấc ngủ năm canh
Réo rắt say một cuộc tình ướt lệ
Trời mưa ngâu sánh như thể lòng anh

Tình trăng khuyết còn vương lỗi mong manh
Tàn canh rồi vẫn chòng chành bóng tối
Buồn trăn trở gió ngập tràn tê tái
Giấc mơ về em thức dậy trong anh
(EM ĐÂU RỒI).

Tôi có may mắn được anh tin cậy chia sẻ những chuyện đời, có lẽ chúng tôi đều có những nỗi buồn, những nỗi cô đơn khó chia sẻ cùng ai. Thế nên đọc cả hai bài “Gửi” và “Buồn” thấy thật là hay nhưng buồn đến vô cùng, có cái gì đấy muốn nói mà chẳng thể nói ra, muốn chia sẻ mà khó tìm người tri kỷ

…Em đi ngày ấy anh lạ lắm
Gọi mây chia bớt mảnh chồng suông
Áo gió phôi phai bạc cánh hồng
Son nhòa môi lạnh, vai gầy nhỏ

Em đi ngày ấy trời giông tố
Nghiêng ngả biển xanh sóng giận hờn
Cánh tay em gối hóa cô đơn
Còn cánh tay hoang đem ấp gió…
(GỬI …)

…Trời buồn bóng ngả nghiêng trôi
nắng mưa thì cũng nửa vời trắng đen

Người đơn độc uống với đêm
men buồn gió thoảng dịu êm muôn điều

Một đời chẳng hết chữ yêu
càng gần gụi lại càng nhiều chơi vơi…
(BUỒN).

Khi đọc Những dòng thơ trăn trở với cuộc đời, Anh có tâm sự với tôi: Có những lúc không thể viết theo lối trực ngôn được ông ạ! Vì vậy khi giới thiệu về Thơ Nguyễn Văn Khôi trên Tạp chí VNQĐ nhà thơ Nguyễn Thị Kim Nhung có viết “Đọc Nguyễn Văn Khôi từ những xa xôi để thấy một khả thể, trong lúc cảm xúc thăng hoa nhất, và giữa làn ranh mơ hồ nhất của hư và thực nhà thơ sẽ nói ra những điều thầm kín nhất, kìm nén nhất mà không e sợ bị phát giác điều gì. Đó là lời thành thực nhất mà không bao giờ được kiểm chứng. Ta gọi đó là Thơ”. Đó cũng là lý do trong tập thơ ta chưa hiểu hết ý tứ của một số bài. Tuy vậy những xót xa về thân phận của kiếp người, những suy nghĩ về cuộc đời đầy biến động, về tình thương đầy nhân tính giữa con người với cả những con vật nuôi người đọc đều có thể nhận thấy:

Lò dò như bướm tìm hoa
lìa cha lạc mẹ
chùa xa nương về

Mảnh mai
lếch thếch hòm si
tiếng mời hơi khuyết
ôm ghì vạt sương
(DẤU YÊU ƠI)

Ngày đêm đều có nắng
Mặt đất thiếu nỗi buồn
Không gian lòng trống vắng
Đêm chở đầy hoàng hôn
(KHÔNG ĐỀ 1)

Trời và đất như cây cầu tạm
giữa đôi bờ lòng người

Phía nào là bờ thực
phía nào là bờ hư
bờ nào cho ta mặt trời rực rỡ
bờ nào nhá nhem sờ sẩm mặt người
bờ nào vang vang tiếng nói
gió bờ nào chỉ cuốn tới hoang liêu
(THẦM LẶNG NHỮNG CƠN GIÔNG)

Nay con lạc bến đò mơ
đốt hương ông niệm thẫn thờ mùa đông
gió chiều hoang hoải trên sông
lòng như lửa đốt bập bồng khói hương

Kiếp sau còn được trời thương
ông con mình lại tìm đường về nhau
(ZIN)

Một câu hỏi hay những lời tâm sự trong những mối quan hệ của dòng đời đầy biến động? Đọc xong ta tự thấy cái gì cần hơn trong tình người với điệp từ lời nhắc nhở:

TA CÒN GÌ CHO NHAU?
Ta còn gì cho nhau?
những giận hờn đã mất
những nụ cười đã tắt
khi hai ta quay đầu

Ta còn gì cho nhau?
thân quen thành xa lạ
còn gì neo giữ nữa
những ngày xưa đã xa…

Tôi viết về Anh giống như một người nông dân cuốc đất, đơn giản chỉ vì yêu thơ Anh, trân trọng và cảm phục sự lao động nhọc nhằn của Anh cầy ải trên cánh đồng chữ nghĩa. Một sự vất vả không có mồ hôi đổ xuống nhưng đổi được những dòng chữ là cả chiêm nghiệm của cuộc đời, cả những cay đắng và niềm vui cùng những đêm thức trắng trong cảm xúc. Tôi yêu thơ Anh vì đâu đó trong thơ có một phần cuộc đời mình với bao chìm nổi.

Tôi viết về Anh. Hai người đồng môn nhưng ở hai môi trường hoàn toàn khác biệt – Anh là người làm công tác quản lý còn tôi là một người lính. Gặp nhau, chúng tôi có cùng những đồng cảm về tư duy trong cuộc sống, về văn hóa xã hội. Với cá nhân tôi, Anh luôn là một nhà thơ trong tâm hồn và cả trong cách ứng xử trong cuộc đời với những lời thơ tâm sự:

…Về thôi dù còn nhiều dang dở
Gió nhẹ bay chấp chới chiều tà
Hoa đã rụng để hiện hình cho quả
Ta một mình thiền lễ phật trong đêm

Về chăm nom những con chữ bình yên
Xa ảo ảnh quãng đường đua trầy trật
Tiếng gọi thoảng giữa làn mưa lất phất
Buồn. Làm thơ. Còn có mẹ và em.

Kính tặng nhà thơ Nguyễn Văn Khôi
Nguyễn Anh Tuấn – Cựu SV Trường ĐHXD
Tết Kỷ Hơi 31/01/2019